TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG
Lượt xem: 363
Ở Việt Nam, bạo lực học đường đang trở thành mối lo của phụ huynh, ngành giáo dục và toàn xã hội. Nó không những gây ra những tác động xấu đến mối quan hệ giữa trò với trò, thầy với trò mà còn gây hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần, thái độ học tập của học sinh và các hoạt động giáo dục của nhà trường.

Hiện tượng bạo lực học đường không phải là một hiện tượng mới, song thời gian gần đây hiện tượng này xảy ra ở một số trường học đã bộc lộ những tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm về nạn bạo lực học đường trong trường học.

Bạo lực học đường là những lời nói hoặc hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm nhân phẩm, thân thể người khác gây nên những tổn thương tinh thần và thể xác ở phạm vi các mối quan hệ trong trường học (giữa giáo viên với học sinh, giáo viên với giáo viên, học sinh với học sinh hoặc đối tượng khác ngoài xã hội với học sinh).

* Bạo lực học đường xảy ra và đáng báo động ở cả các bạn nam hay nữ. Nguyên nhân cụ thể do:

- Nguyên nhân phía học sinh: Do bị tác động từ xã hội và bạn bè xấu lôi kéo. HS ở lứa tuổi mà cơ thể các em đang có sự phát triển mạnh mẽ, tâm sinh lý có nhiều biến đổi, suy nghĩ bồng bột, thích tự mình giải quyết các mâu thuẫn, dễ bị bàn bè rủ rê, lôi kéo. Lý do dẫn đến học sinh đánh nhau thường rất đơn giản như: nhìn mặt thấy “ghét”; va chạm trong lúc vui chơi, trên đường đi học; mâu thuẫn, nói xấu nhau qua diễn đàn, “chat” hay một số vụ việc là do học sinh có quan hệ khác giới, yêu đương sớm, ghen tuông nên ẩu đả, đánh nhau để trả thù…

- Nguyên nhân từ gia đình: gia đình là nền tảng đặc biệt quan trọng trong việc hình thành nhân cách cho trẻ từ tuổi ấu thơ. Nếu cha mẹ, anh, chị, em… trong gia đình cư xử với nhau bằng bạo lực, sử dụng những từ ngữ, lời lẽ không hay với nhau sẽ ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ, tình cảm của đứa trẻ và từ đó dần hình thành trong trẻ những biểu hiện lệch lạc trong suy nghĩ và hành động giống như gia đình chúng. Một nguyên nhân nữa cũng cần nhắc đến đó là sự thiếu quan tâm từ phía gia đình do cha mẹ chỉ chăm chú vào các công việc làm ăn hàng ngày thiếu sự kiểm soát và chăm sóc con cái thường xuyên hoặc do gia đình ít con nên sự chiều chuộng con cái quá mức chỉ biết cung cấp, đáp ứng về tiền bạc theo yêu cầu của con cái mà thiếu sự kiểm soát, quan tâm đến suy nghĩ, hành động của con em cũng chính là mối quan tâm mà chúng ta cần suy nghĩ.

- Nguyên nhân từ nhà trường: do sự giáo dục của nhà trường còn nặng về kiến thức văn hóa, đôi khi ít chú trọng nhiệm vụ giáo dục con người “tiên học lễ, hậu học văn”.

- Nguyên nhân từ xã hội: do ảnh hưởng từ môi trường văn hóa bạo lực như phim ảnh, sách báo, game bạo lực, đồ chơi mang tính bạo lực (kiếm,súng..). Hiện nay, bên cạnh những mặt tích cực thì nó cũng mang nhiều ảnh hưởng xấu. Các trò chơi trên mạng Internet có tới 77% là trò chơi đánh nhau. Trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông các hình ảnh bạo lực xuất hiện quá nhiều, các bộ phim hành động kinh dị, xã hội đen đua nhau trình chiếu trên tivi, internet, hoặc phát tán qua đĩa. Các game hành động với các pha chém giết, chuyện đấu đá băng nhóm bang hội, thu hút số lượng đông các bạn trẻ, không tránh được những ảnh hưởng xấu của các hình ảnh bạo lực tới đầu óc của các em. Tuổi trẻ có xu hướng bắt trước và thử nghiệm việc các em làm theo những hình ảnh, hình tượng đó là hoàn toàn dể hiểu.

* Hậu quả của hành vi bạo lực học đường

- Ảnh hưởng đến bản thân học sinh

+ Gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt thể xác. Tồi tệ hơn khi không ít vụ bạo lực đã cướp đi sinh mạng của những học sinh vô tội để lại sự thiệt thòi, đau đớn không chỉ về mặt thể xác mà cả tinh thần cho học sinh và gia đình.

+ Những HS bị bạo lực, nhất là bạo lực về tinh thần, bạo lực ngôn ngữ thường cảm thấy bị tổn thương, chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp… Sự sợ hãi hoặc nỗi ám ảnh. Thậm chí, tình trạng này có thể kéo dài suốt cuộc đời. Các em không dám ra ngoài chơi hoặc đến trường, không thể tập trung vào học hành.

+ Những học sinh chỉ chứng kiến chứ không tham gia hành vi bạo lực cũng bị ảnh hưởng. Chứng kiến những hành vi bạo lực khiến các em cảm thấy sợ hãi, và nếu thấy những kẻ gây ra bạo lực không bị trừng trị thì những em chứng kiến cũng có thể hùa theo số đông, ủng hộ hành vi này, và có nhiều khả năng trở thành kẻ có hành vi bạo lực trong tương lai.

+ Những hậu quả mà bạo lực học đường gây ra kể cả thể xác hay tinh thần cũng đều trực tiếp ảnh hưởng đến công việc học tập cũng như tương lai của học sinh nếu không được can thiệp kịp thời. Từ đó, tương lai của các em rẽ sang một bước ngoặt khác không mấy khả quan.

- Ảnh hưởng đến gia đình: Không khí và cuộc sống gia đình bị xáo trộn, căng thẳng, lo lắng.

- Ảnh hưởng đến nhà trường: Hành vi bạo lực không chỉ tác động xấu đến nạn nhân mà còn khiến không khí trường học trở nên nặng nề, căng thẳng với nỗi sợ hãi, bất an luôn bao trùm.

- Ảnh hưởng đến xã hội: Ảnh hưởng đến những nét văn hóa truyền thống, những chuẩn mực đạo đức quý giá: Giờ đây có những học trò ngang nhiên cãi lại thầy, cô giáo. Con cái cãi lại bố mẹ. Bạn bè đánh đấm, xảy ra khá thường xuyên. Chính những hành động ấy đã càng làm lu mờ những nét văn hóa truyền thống của xã hội, thể hiện một sự suy đồi về mặt đạo đức và sự sai lệch về mặt hành vi một cách đáng báo động, làm mất trật tự xã hội.

 

TUYÊN TRUYỀN PHÒNG TRÁNH BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG

Ảnh: Nguồn Internet.

* Để phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường hiện nay, cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

- Đối với học sinh:  cần phải biết xây dựng kỹ năng, giá trị sống cho bản thân, biết tôn trọng mình và tôn trọng người khác. Bản thân học sinh cũng cần phải xác định rõ mục tiêu lý tưởng sống cho mình, biết trân trọng danh dự chính mình, tức là biết những hành động đúng sai. Cần rèn luyện đạo đức, kỹ năng, nhân cách làm người, không chơi game và những trò chơi bạo lực.

+ Chấp hành tốt nội quy trường lớp.

+ Tránh xa bạo lực, nói không với bạo lực, không cổ động, kích động, bao che cho hành vi bạo lực, nói không với phim ảnh, video bạo lực.

+ Tuyên truyền, giúp đỡ cho bạn bè, gia đình hiểu rõ về bạo lực học đường và cách phòng tránh.

+ Khi có vấn đề về bản thân, các mối quan hệ với bạn bè, thầy cô hoặc với đối tượng khác nên chia sẻ cùng bạn bè, người thân và thầy cô để nhận được lời khuyên và giúp đỡ cần thiết kịp thời…

+ Nếu thấy hiện tượng bạo lực phải kịp thời báo ngay cho nhà trường, thầy cô giáo hoặc cơ quan có thẩm quyền để kịp thời can thiệp và xử lí.

- Đối với gia đình:  cần có sự quan tâm tới con cái nhiều hơn, quan tâm tới mối quan hệ bạn bè của con nhưng không phải là sự áp đặt mà cần có những cuộc nói chuyện với con như những người bạn, tâm sự, chia sẻ với con mọi chuyện, nhất là những em đang trong lứa tuổi dậy thì. Cha mẹ chính là tấm gương để con học tập và noi theo nên cũng cần phải có những hành động trước con trẻ một cách đúng đắn.

- Đối với nhà trường:  cần chú trọng công tác giáo dục đạo đức, nhân cách hơn nữa, phải hiểu rõ tâm- sinh lý của học sinh. Bên cạnh đó cần giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, rèn luyện các kỹ năng ứng xử, cân đối chương trình học để tạo những giờ học ngoại khóa các hoạt động vui chơi, giao lưu bổ ích cho học sinh.

- Đối với xã hội: Toàn xã hội cần phải quan tâm củng cố nâng cao chất lượng môi trường xã hội, văn minh tiến bộ. Quản lý, ngăn chặn và chế tài hiệu quả những hoạt động có tác hại đến môi trường văn hóa xã hội, nghiêm cấm các trò chơi điện tử, phim ảnh bạo lực.

Phối hợp chặt chẽ giữa 3 môi trường giáo dục: Gia đình - Nhà trường - Xã hội. Xác định rõ vai trò, vị trí của người thầy, quyền hạn và trách nhiệm trong việc giáo dục đạo đức học sinh, đảm bảo song song việc dạy chữ và dạy làm người. Nhà trường và thầy cô giáo phải được bảo vệ danh dự và có đủ cơ chế để răn đe giáo dục học sinh.

Thống kê truy cập
  • Đang online: 9
  • Hôm nay: 247
  • Trong tuần: 5 296
  • Tất cả: 479278
Đăng nhập
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !